-- Facebook Pixel Code -->

Rằm tháng Giêng (정월대보름) ở Hàn Quốc

정월대보름(Rằm tháng Giêng) ở Hàn Quốc, nguồn ảnh samsungsmartcity
Nhắc đến ngày Rằm tháng Giêng chắc hẳn bạn sẽ hình dung ra sự rộn ràng, nô nức của các lễ hội và lòng người hướng về cõi tâm linh trong những ngày đầu năm mới. Hòa vào dòng người đi lễ đầu xuân bạn sẽ cảm thấy trời đất giao hòa, con người như gần gũi nhau hơn. Đi lễ đầu năm đã trở thành một nét văn hóa đẹp và lâu đời của mỗi người dân Việt Nam và đây cũng được coi là lễ hội chính thức khép lại những ngày Tết nguyên đán. Trước đây lễ rằm tháng Giêng còn thường gọi là Tết muộn bởi những gia đình khá giả tiếp tục ăn Tết và chơi mai, đào nở muộn; những người đi làm ăn xa ở lại qua ngày rằm tháng giêng mới lên đường; những người không may đau yếu vào đúng dịp Tết mà sau Tết đã khoẻ mạnh trở lại hoặc nhiều gia đình tang ma có người chết vào dịp Tết Nguyên Đán thì được ăn Tết "bù"... Vì vậy, từ lâu trong tâm thức người Việt, Rằm tháng Giêng đã có ý nghĩa không khác gì ngày Tết Nguyên đán.

Không chỉ Việt Nam mà ở các nước Châu Á đang sử dụng lịch âm, ngày Rằm tháng Giêng là một trong những ngày rất quan trọng. Người Việt Nam còn có câu "Lễ cả năm không bằng Rằm tháng Giêng". Ở Trung Quốc, ngày này người ta tổ chức Lễ hội đèn lồng để chính thức kết thúc những ngày Tết nguyên đán. Lễ hội đèn lồng xuất phát từ truyền thống sử dụng lửa để kỷ niệm ngày lễ hội và xua đi những điều không may của người dân nước này. Nhưng kể từ khi đạo Phật du nhập vào Trung Quốc vào thời Hán thì Lễ hội đèn lồng đã khoác lên mình những màu sắc tôn giáo khác nhau. Những người theo đạo Phật dùng ngày này để tưởng nhớ Đức Phật, trong khi những người theo Đạo giáo thì dùng ngày này để kỷ niệm sinh nhật của Thần lửa.
Ở Hàn Quốc thì ngày Rằm tháng Giêng là ngày mà trăng sáng và to nhất trong năm, đồng thời cũng là ngày mà người dân cầu ước mọi điều tốt đẹp cho một năm mới. Vào đúng ngày này, những món ăn đặc trưng là “Bu-reom” (부럼 – Các loại hạt hay quả có vỏ cứng như lạc, quả óc chó, hạt ngân hạnh, hay hạt dẻ...), o-gok-bab (오곡밥 – cơm ngũ cốc), Yak-bab (약밥 – xôi), na-mul (나물 – rau trộn), các loại rau, Boksam…Dù mang ý nghĩa là cơm có năm loại ngũ cốc nhưng không nhất thiết phải cho tất cả năm loại ngũ cốc đó. Tùy theo khẩu vị mà khi thổi cơm có thể cho các hạt ngũ cốc như gạo nếp, kê, đỗ, đại táo, đậu, ngân hạnh, hạt dẻ hoặc với rau sấy khô ướp gia vị....
오곡밥 – cơm ngũ cốc thường ăn vào ngày Rằm tháng Giêng, nguồn ảnh samsungsmartcity
Trước đây do điều kiện sống không tốt, thiếu thốn cái ăn nên không đủ chất dinh dưỡng khiến cho da dẻ dễ bị nổi mụn nhọt, người ta cho rằng trong các loại hạt và quả trên có chứa chất có thể ngăn ngừa tình trạng trên rất tốt và yếu tố dinh dưỡng được phân tích là tốt hơn gạo gấp nhiều lần. Chính vì thế vào ngày Rằm tháng Giêng mà cho trẻ em ăn những loại này thì cả năm sẽ không mắc bệnh về da. Vào đêm 14 hoặc giữa đêm Rằm, người Hàn Quốc thường nhìn trăng và cầu những điều tốt đẹp cho cả năm và họ tin rằng những điều ước cầu vào ngày đó sẽ trở thành hiện thực.
Các loại hạt hay quả có vỏ cứng như lạc, quả óc chó, hạt ngân hạnh, hay hạt dẻ... nguồn samsungsmartcity
Còn đối với riêng người nông dân thì ngày Rằm tháng Giêng còn có ý nghĩa đặc biệt hơn, là một ngày lễ cầu cho cả năm mùa màng bội thu. Về mặt ý nghĩa tượng trưng thì ngày Rằm tháng riêng còn là ngày lễ mang “tính âm” theo âm dương khi mặt trăng, phụ nữ và đất đều mang thuộc tính âm. Mặt trăng được coi là nữ thần của nước nên ngày Rằm tháng Giêng có quan hệ mật thiết với văn hóa nông nghiệp. Việc xem mặt trăng và đất là nữ tính được truyền lại từ quan niệm về khả năng sinh sản của thần địa mẫu từ xa xưa. Ánh sáng của trăng Rằm tháng Giêng còn tượng trưng cho sự sáng sủa xua đi cái tối tăm, bệnh tật và tai ương. Người Hàn Quốc còn có câu tục ngữ “설은 질어야 좋고 보름은 밝아야 좋다” tức là vào ngày Tết tuyết rơi nhiều mới tốt còn ngày Rằm tháng giêng thì trăng phải sáng mới tốt.

Vào ngày Rằm tháng Giêng ở Hàn Quốc cũng có nhiều nghi lễ được diễn ra. Thông thường ngày Tết nguyên đán sẽ diễn ra các nghi lễ mang tính cá nhân vào ngày Rằm tháng giêng sẽ diễn ra các nghi lễ mang tính cộng đồng. Tức là vào ngày Tết chủ yếu sẽ cầu chúc mọi điều tốt đẹp cho bản thân và gia đình, còn vào ngày Rằm tháng giêng sẽ thực hiện các nghi lễ cầu chúc mọi điều tốt đẹp chung cho cộng đồng. Tuy nhiên ở mỗi vùng thì các nghi lễ, nội dung có đôi chút khác biệt với những tên gọi khác nhau tuỳ theo đặc trưng văn hoá của vùng miền ấy. Nhưng tất cả đều có chung một đặc điểm là không khí lễ hội rộn ràng và vui nhộn, có liên quan nhiều tới văn hoá nông nghiệp. Có thể là những màn biểu diễn nông nhạc chuyên và không chuyên. Cũng có những nơi thực hiện cả việc phóng sinh khi mua cá hay baba rồi đem thả ra sông.

Tương tự như vậy, bò vốn là tài sản rất quan trọng và là nguồn hỗ trợ lao động đắc lực nên người nông dân rất quý loài vật này. Vào ngày Rằm tháng Giêng người ta cho bò ăn thêm một bữa có trộn cơm ngũ cốc vào thức ăn hàng ngày của bò. Nhìn cách bò ăn cũng đoán chừng về sản xuất nông nghiệp trong năm. Người ta tin rằng nếu bò ăn gạo trước thì năm đó lúa sẽ được mùa, nếu bò ăn đỗ trước thì năm đó đỗ sẽ được mùa. Nhiều người còn để một mâm cúng ở trước chuồng bò và cầu mong cho suốt cả năm bò được khoẻ mạnh, làm việc chăm chỉ. Ngoài ra, vào sáng sớm ngày Rằm, họ cũng nghe và đếm cả tiếng gà gáy. Nếu số lần gáy mà ít thì năm đó mất mùa và nếu gà gáy trên 10 lần thì năm đó sẽ được mùa.

Nguồn tham khảo: KBS WORLD Radio

Post a Comment

[blogger][disqus][facebook]

www.cayhoagiay.com

Biểu mẫu liên hệ

Name

Email *

Message *

Powered by Blogger.